02/12/2022

ĐỪNG CAN THIỆP NGHIỆP – PHẦN 2

ĐỪNG CAN THIỆP NGHIỆP – PHẦN 2
Đọc phần 1 tại: https://bit.ly/3aIookz
Khi can thiệp vào nghiệp của người khác, thì sẽ dẫn đến những hậu quả nào?
Chắc chắn lúc đó bạn đã tạo ra một nghiệp mới của chính mình – nghiệp can thiệp. Dù bạn có tự bao biện, an ủi mình rằng, tất cả những việc mình làm đều xuất phát từ lòng tốt, từ sự thương người. Nhưng lòng tốt mà không có trí tuệ thì vẫn tạo nghiệp – nghiệp của sự vô minh. Đi sâu vào lòng tốt, nếu bạn thấy lòng tốt của mình vẫn còn sự áp đặt, vẫn còn điều kiện gì đó, thì lòng tốt ấy vẫn đang bị dẫn dắt bởi bản ngã vi tế của bạn.
Tùy theo sự vô minh và cường độ của sự chủ ý của bạn mà nghiệp can thiệp sẽ được tạo ra với mức độ thế nào. Trong hầu hết các trường hợp, do nghiệp không đủ mạnh, hoặc nghiệp chưa đến lúc trổ ra quả, nên bạn sẽ không cảm thấy gì. Tuy nhiên, nghiệp đó cũng đã được ghi dấu và tích lũy trong ngân hàng nghiệp của bạn. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của nghiệp can thiệp, mà tác động sẽ khác nhau với những người khác nhau.
Có những dấu hiệu, hay hậu quả sau, thể hiện việc bạn đã can thiệp vào nghiệp:
Thứ nhất, cả bạn và người bị can thiệp đều cảm thấy bất an. Với bạn, đó có thể là cảm giác lo lắng quá mức, hay ngược lại sân hận với người đó. Lo vì không biết giúp thế nào, giúp rồi có được việc cho họ không. Sân hận vì giúp mà họ không hiểu ra, không thay đổi theo cách mình muốn. Đôi khi cảm giác bất an không thể giải thích, chỉ là bạn thấy mình đang sai ở đâu đó. Còn với người bị can thiệp, họ có thể lo lắng hơn, tiêu cực hơn với vấn đề họ đang gặp phải, họ cũng sân hận với chính bạn khi không cảm thấy tin tưởng, thoải mái. Nếu nói về tốc độ tác động của nghiệp, thì chính cảm giác bất an này thể hiện nghiệp đã bắt đầu tác động một cách tức thời. Điều này luôn đúng với bất kể nghiệp nào, không chỉ nghiệp can thiệp.
Thứ hai, vấn đề của người bị can thiệp sẽ không được giải quyết triệt để.
Có nhiều cách biểu hiện:
1) vấn đề vẫn y nguyên, như chưa có bất kể một sự tác động nào;
2) vấn đề có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó lại quay trở lại;
hoặc 3) vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Trong nhiều ca thôi miên, chủ thể đi về tiền kiếp rất hoành tráng, thông tin chuyển xuống rất nhiều, như sau ca chủ thể không có bất kể một biến chuyển nào.
Ở khía cạnh chuyên môn, hiện tượng này xuất phát từ những lý do sau:
1) Đây chỉ là ca thôi miên trải nghiệm, trong đó chủ thể nhìn được tiền kiếp của mình, biết được mình là một linh hồn đã đầu thai qua nhiều kiếp sống. Chỉ như vậy thôi. Còn những bài học chủ thể đang trải nghiệm thì bạn ấy cần tự chiêm nghiệm và kết thúc, hoặc trong tương lai, các vị thầy vật lý, các vị thầy tâm linh sẽ đến để giúp cho bạn ấy.
2) Đây là ca thôi miên bị bản ngã kiểm soát. Bản ngã có một đặc tính nổi bật là luôn bảo vệ mình, rất bảo thủ, không chịu thay đổi. Bản ngã có thể vẽ ra mọi thứ: tiền kiếp, tương lai, thông điệp các vị thầy. Các ca thôi miên có bản ngã thường không gặp bất kể trở ngại nào trong việc truy cập thông tin. Không một câu hỏi nào mà chủ thể không trả lời được một cách trôi trảy, tự tin. Các nhà thôi miên nên lưu ý dấu hiệu này.
3) người can thiệp sẽ gặp vấn đề nào đó, không chỉ là sự bất an. Trong trường hợp này, có thể coi như nghiệp đã được biểu hiện. Những người chữa lành là những người rất nhạy cảm về năng lượng, một số người đã mở con mắt thứ ba, vậy nên cũng bị tác động mạnh hơn nhiều so với những người bình thường.
Ví dụ như những tác động như sau:
1. Bị vong tấn công dẫn đến lo sợ, đau đầu, buồn nôn và nhiều cảm giác khó chịu khác. Một đồng nghiệp của tôi, một nhà thôi miên khá nổi tiếng, trong những ngày đầu mới vào nghề, vì không có kỹ năng đánh giá và bảo vệ mình, chị đã nhận làm một ca thôi miên cho một người bạn của một chủ thể. Ngay trên chuyến xe buýt di chuyển đến nhà chủ thể mới đó, chị đã bị tấn công xây xẩm mặt mày, đến mức phải xuống xe, bắt xe ngược về nhà. Khi cùng kết nối, chúng tôi đã nhìn thấy hai bạn vong của chủ thể, họ không muốn chị chữa lành và can thiệp vào nghiệp giữa họ và chủ thể. Cũng may đồng nghiệp của tôi chỉ bị tấn công để cản trở làm ca thôi miên, không như bạn học viên tôi đã kể ở phần 1, bị vong xâm nhập, tác động mạnh trong thời gian dài. Thực ra những vong này muốn tấn công được bạn, thì phải có nghiệp với bạn. Nếu bạn không tìm cách can thiệp nghiệp, chắc hẳn họ đã không động đến bạn và trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể hóa giải những nghiệp đó bằng những cách thật nhẹ nhàng.
2. Bị mệt mỏi, tụt năng lượng khi tiếp xúc với chủ thể hoặc không rõ lý do, một số bạn gọi là “nhiễm trược khí”. Tôi đã đọc nhiều bài viết của những bạn chữa lành khác, nói về các đợt bùng phát năng lượng từ mặt trời và vũ trụ, dẫn đến tác động lên các bạn ấy, gây ra mệt mỏi, khó chịu. Tôi không thấy đó là lý do chính. Phần lớn trong các trường hợp đó, các bạn ấy đang bị kích hoạt nghiệp. Có những mảnh linh hồn hoặc những vong từ tiền kiếp, khi đến thời điểm đã tìm đến các bạn ấy. Phần còn lại, là do các bạn ấy đã bị tác động bởi chính những ca chữa lành can thiệp nghiệp. Chắc hẳn trong các ca chữa lành đó, các bạn ấy đã ép buộc siêu thoát các vong, chỉ tập trung vào chữa bệnh mà không giúp chủ thể nhìn nhận và hiểu ra bài học, hoặc đã tư vấn cho chủ thể không chính xác. Đừng bao giờ đổ lỗi cho mặt trời, thiên hà hay vũ trụ vì đã tác động vào bạn. Đây chính là tâm lý nạn nhân, việc mà bạn đang phải giúp chủ thể của mình cần tránh.
3. Tái phát những bệnh cũ, hoặc phát sinh những bệnh mới. Những bệnh này có thể ở cả tinh thần lẫn thể chất. Sở dĩ bạn bị kích hoạt những nghiệp bệnh tật này, vì bạn đang cần học bài học về nghiệp. Nghiệp có thể đến bằng bất kể cách nào, miễn là giúp bạn hiểu ra bài học. Tôi cũng đã nghe nói đến những vị sư chuyên chữa bệnh cứu người miễn phí, cuối đời cũng mặc những căn bệnh bí ẩn, không thể chữa trị.
Việc bị tác động sau ca chữa lành đã trở thành nỗi ám ảnh với những người chữa lành. Đặc biệt các khóa chữa lành mở ra, chỉ với vài ngày, thậm chí một hai tiếng, là bạn đã có thể đi chữa lành cho mọi người. Với những người chữa lành không hiểu, không quan tâm đến nghiệp, chắc chắn sẽ gặp vấn đề với nghiệp. Bạn có thể học về kỹ thuật chữa lành trong một tiếng, nhưng để hiểu về nghiệp, bạn có thể học cả đời, thực ra là nhiều kiếp sống.
Đọc đến đây sẽ có nhiều bạn đặt ra câu hỏi: tại sao bác sỹ ở bệnh viện không tin vào tâm linh, không hiểu gì về nghiệp, vẫn có thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, và phần lớn nhân loại đang được chữa trị bởi hệ thống bệnh viện? Tất cả mọi thứ đều đã được bàn tay của Thượng đế sắp xếp một cách hoàn hảo. Sở dĩ có nhiều người được bệnh viện chữa khỏi, là vì họ chỉ đang học những bài học ở cấp độ đơn giản của thế giới vật lý: bài học yêu thương, trân trọng cơ thể. Ở bài học này, họ chỉ cần trải qua một đợt điều trị, chi trả đủ viện phí, sống lành mạnh là có thể khỏi bệnh. Phần lớn nhân loại, với bản chất là những linh hồn non trẻ, chỉ cần học bài học ở cấp độ này. Tất cả các bác sỹ đang giúp bệnh nhân hoàn tất bài học ở thế giới vật lý, bằng đúng những cách thức vật lý, nên không tạo nghiệp. Có một số ít hơn, cần phải thức tỉnh, cần phải tìm về với bản chất tâm linh, nên bài học được nâng cấp lên chiều kích tâm linh. Với những con người này, có những căn bệnh không thể tìm ra nguyên nhân, không thể chữa trị bởi bất kể cách thức thông thường nào. Họ cần tìm đến các kỹ thuật chữa lành và bắt buộc phải nhìn ra bài học ở cấp độ linh hồn.
Can thiệp nghiệp là do thiếu trí tuệ, nên những người có trí tuệ sẽ không mắc lỗi này. Những người có trí tuệ, thường được mở một con mắt gọi là “Huệ nhãn” (the eye of wisdom). Khác với “Thần nhãn”, hay con mắt thứ ba, là con mắt giúp nhìn được cõi âm, nhìn được các thực thể ở chiều kích năng lượng, huệ nhãn lại giúp con người biết được nghiệp, hiểu được nhân quả, để từ đó không có hành động can thiệp vào những quy luật tự nhiên. Huệ nhãn không sử dụng bằng cách nhìn, mà bằng cách biết. Mọi tri thức sẽ tự xuất hiện bằng ý nghĩ, trực giác với những người có huệ nhãn. Huệ nhãn không phải là một năng lực có thể rèn luyện được, mà nó là trí tuệ của rất nhiều kiếp ngoài vũ trụ lẫn trái đất, là năng lực của những linh hồn rất già cỗi và thông tuệ. Với những người đã có sẵn huệ nhãn, thì phải đến độ tuổi trên dưới 40, khi đã có tương đối các trải nghiệm ở đời sống vật lý, thì huệ nhãn mới dần được mở ra. Nếu bạn có được huệ nhãn, thì bạn không còn lo lắng về việc giúp nhầm người nữa. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hầu hết những người có huệ nhãn lại không muốn giúp người, vì họ đã thấy mọi thứ đang được vận hành một cách chính xác, tất cả mọi người đang đi đúng hành trình của mình rồi.
Những người có duyên nghiệp hỗ trợ, hay có hợp đồng linh hồn với điều khoản giúp đỡ, thì không bị coi là can thiệp nghiệp. Trong hợp đồng linh hồn, hai linh hồn đã thỏa thuận một linh hồn sẽ tác động vào linh hồn còn lại để thúc đẩy sự tiến hóa. Thỏa thuận này là hai chiều. Linh hồn bị tác động sẽ buộc phải chấp nhận để linh hồn kia tác động. Ngược lại, linh hồn bị tác động sẽ phải tác động vào linh hồn kia đúng như hợp đồng. Sẽ không có nghiệp can thiệp nào được tạo ra. Ngược lại, nếu không can thiệp, lại có thể tạo ra nghiệp từ chối nhiệm vụ. Ở thế giới vật lý, chắc chắn hai người dù không hề biết đến nhau trước đó, cũng sẽ tìm đến nhau theo một cách nào đó, để thực hiện sự tác động này. Tất cả các học viên đã được tôi đào tạo, cùng với hầu hết các chủ thể trong các ca thôi miên của tôi, đều có quan hệ với tôi trong kiếp trước là thầy trò. Các bạn ấy không ngần ngại đăng ký học, làm ca thôi miên với tôi, còn tôi thì không thể từ chối các bạn ấy. Tuy nhiên, trong hợp đồng linh hồn cũng đã quy định lĩnh vực, mức độ tác động. Nếu người tác động vượt quá những ranh giới này, thì vẫn tạo nghiệp can thiệp. Ví dụ: các vị thầy cho học trò những gợi ý quá chi tiết, hay làm thay học trò.
Vậy nếu chúng ta không phải là những linh hồn có trí tuệ tầm cao, không được mở huệ nhãn, không chắc chắn mình có duyên nghiệp hỗ trợ với người khác, thì có cách nào để nhận biết để tránh trường hợp can thiệp vào nghiệp của người khác không? Ở đây, tôi chỉ tập trung trình bày những vấn đề dưới góc độ của một nhà chữa lành, vì nhà chữa lành hay gặp và cần biết những tri thức này nhất.
Thứ nhất, bạn hãy quan sát kỹ các dấu hiệu để biết từ chối:
1. Không nên chữa cho những người vừa mới bắt đầu nếm trải đau khổ. Bài học nào cũng cần hoàn thành thời lượng tối thiểu. Thời lượng này đã được quy định trong hợp đồng linh hồn. Trước thời điểm kết thúc thời lượng tối thiểu, sẽ không có một vị thầy nào, một phương pháp nào có thể giúp được cho người đó.
2. Không nên chữa cho những người đang thiếu kiên nhẫn, biểu hiện ở việc thường xuyên than vãn, kêu khóc, cầu xin. Đây là dấu hiệu của việc họ đang cần đi đến đỉnh điểm của đau khổ, thời điểm sẽ giúp tạo ra những bước chuyển biến lớn trong nhận thức của họ.
3. Không nên chữa cho những người sẵn sàng dùng tiền bạc, quyền lợi, sắc dục, hay bất kể thứ gì của thế giới vật lý để đánh đổi lấy vấn đề của họ. Có thể chính vì họ đang mắc vào tiền bạc, quyền lợi, sắc dục nên mới gặp những vấn đề đó, nếu sử dụng chúng đề giải quyết thì như đổ thêm dầu vào lửa. Còn nếu bạn đồng thuận với họ, ngoài nghiệp can thiệp, bạn sẽ tạo ra những nghiệp khác ở thế giới vật lý.
4. Không nên chữa cho những người không tin bạn. Việc họ không tin tưởng thể hiện chưa đến lúc bạn có thể chữa lành cho họ, hay bạn không có nhân duyên để chữa cho họ. Tuyệt đối không nên dùng chiêu trò đánh bóng tên tuổi, reo rắc nỗi sợ hãi để ép buộc họ đến với mình.
Bạn cần phân biệt rõ đâu là những chủ thể bạn cần chữa lành, đâu là những chủ thể bạn chỉ cần có một vài lời khuyên, đâu là những chủ thể bạn không cần làm gì cả. Trong trường hợp không thấy có duyên với chủ thể đó, hãy giới thiệu họ đến những đồng nghiệp khác. Rất có thể một nhân duyên phù hợp sẽ giúp chủ thể giải quyết được vấn đề của mình. Không nên tiếc nuối hay cố gắng thể hiện mình bằng những lời tư vấn không phù hợp, nếu không, bạn lại mắc lỗi can thiệp.
Thứ hai, hãy luôn biết sống thuận pháp, tùy duyên, và làm với tâm vô ngã, vị tha. Tôi đã học được điều này từ vị thầy đáng kính – hòa thượng Viên Minh, trụ trì tổ đình Bửu Long. Thuận pháp là tuân thủ các quy luật của tự nhiên, ở đây là nghiệp. Tùy duyên là tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mình. Kết hợp giữa thuận pháp, tùy duyên để không những không vi phạm, mà còn tận dụng những quy luật, kết hợp với những nguồn lực hiện có, để đạt được mục đích. Thuận pháp, tùy duyên ví như đặc tính của nước, ở bất kể không gian, thực tại nào, cũng luôn thanh tịnh, mềm mại, uyển chuyển. Vô ngã là không vì mình, không đặt mình là trung tâm, là quan trọng. Vị tha là vì mọi người, luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người. Giúp đỡ với tâm vô ngã, vị tha là giúp đỡ hoàn toàn không dính mắc, không cần mình được lợi gì, cũng không cần người đó có thay đổi theo cách mình muốn hay không. Chữa lành với tâm vô ngã, vị tha là chữa lành bằng trái tim, chứ không phải bằng cái đầu. Vận dụng tốt những quy luật này trong việc chữa lành, bạn dễ dàng chấp nhận, từ chối, hay không cảm thấy khó chịu với bất kể phản ứng nào của chủ thể.
Thứ ba, hãy xin ý kiến của những vị thầy có huệ nhãn. Ai cũng có những vị thầy như vậy, dù là vô hình hay hữu hình. Những vị thầy với huệ nhãn thường không đưa ra chỉ dẫn chi tiết, mà chỉ đưa ra những định hướng, gợi ý để bạn phải tự tìm đường. Giai thoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tư vấn cơ đồ cho cả chúa Trịnh, chúa Nguyễn, vua nhà Mạc thể hiện ngài không chỉ có khả năng tiên tri xuất chúng, mà còn có huệ nhãn sáng ngời. Không phải ai cũng may mắn gặp được những con người siêu phàm như vậy, nhưng bạn cứ phát nguyện được dẫn dắt để làm những việc có ích, thì các vị thầy sẽ xuất hiện. Trong tâm linh, thầy sẽ đi tìm trò, chứ trò không cần phải tìm thầy.
Cuối cùng, là cách quan trọng nhất, nhưng lại phụ thuộc vào chính bạn, đó là hãy luôn học hỏi, luôn tìm cách làm giàu thêm trí tuệ của mình về nghiệp. Nghiệp là một lĩnh vực lớn, bao trùm toàn bộ đời sống của con người trên trái đất. Nghiệp biểu hiện rất đa dạng, ở nhiều không gian, thời gian, in dấu trong nhiều khía cạnh khác nhau của sự việc, hiện tượng. Tuy nhiên, với bạn, nếu biết cách quan sát, bạn sẽ luôn thấy sự hiện diện của nghiệp trong cả trong cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ lẫn đời sống xung quanh mình. Ngoài nghiên cứu sách vở, tài liệu, bạn có thể theo một tôn giáo nào đó. Tôn giáo nào cũng nói về nghiệp, nhưng theo tôi quan sát, đạo Phật và đạo Hindu có hệ thống giáo lý trình bày về nghiệp khoa học và đầy đủ hơn cả. Với bất kể sự việc, hiện tượng gì, bạn hãy đặt ra câu hỏi: bài học nào đang ẩn chứa đằng sau? Đó chính là cách bạn tiếp cận với nghiệp để không mắc vào việc can thiệp.
Tôi biết rằng sẽ lại có bạn đặt ra câu hỏi: làm thế nào để không can thiệp vào nghiệp, nhưng cũng không bị rơi vào trạng thái vô cảm, vô trách nhiệm với đồng loại? Thực ra bất kể những người bạn đã gặp và có tương tác, đều có nhân duyên, hay có nghiệp với bạn, có điều nghiệp đó có cho phép bạn giúp đỡ họ hay không mà thôi. Hãy đọc lại những lời khuyên phía trên của tôi về việc không can thiệp vào nghiệp, để từ đó suy ra những trường hợp nào mình nên hay cần giúp đỡ. Hãy thử nghiệm làm những việc rất nhỏ nếu không chắc chắn. Việc bạn lắng nghe, động viên, ở bên mọi người lúc họ khó khăn chắc chắn không tạo ra nguy cơ can thiệp nghiệp. Nếu từ đó bạn thấy họ tốt lên, thì có thể giúp họ nhiều hơn. Hãy yên tâm rằng, do sự vận hành của nghiệp, những người bạn phải giúp là những người chắc chắn bạn không thể tránh né được, dù đó là do hoàn cảnh đưa đẩy, hay cảm giác thôi thúc ở bên trong.
Về phần cá nhân, tôi luôn có ý thức và tôn trọng bài học của mọi người. Ngay ở trong gia đình, dù thường xuyên đưa ra những lời khuyên, nhưng tôi không bao giờ bắt ép mọi người theo ý mình. Tôi biết bài học của họ sẽ luôn đến đúng lúc. Tôi cũng thuận duyên trong các mối quan hệ. Khi bắt đầu hành trình tâm linh, tôi gần như cắt đứt quan hệ với tất cả đối tác, người quen, bạn bè cũ, và bắt đầu mở ra với gia đình linh hồn của mình. Cũng đã có không ít các đồng nghiệp rời khỏi QHVN, nhưng tôi luôn mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với họ, cầu mong họ sẽ luôn phát triển hơn nhiều khi làm việc cùng tôi. Phần lớn chủ thể liên lạc với tôi đều được tôi giới thiệu đến các đồng nghiệp khác. Một số trong số đó tôi đã từ chối chữa cho họ sau khi nhận lời, vì tôi biết từ chối chính là giúp đỡ họ. Một số ít vẫn được tôi truyền năng lượng chữa lành, dù không có tương tác trực tiếp.
Điều cuối cùng: khi đã trót can thiệp nghiệp rồi thì nên cần làm gì? Thực ra không cần làm gì nhiều. Khi bạn đã biết mình mắc nghiệp can thiệp, cũng là lúc bạn đã hiểu ra được bài học. Khi hiểu ra được bài học, nghiệp can thiệp sẽ được hóa giải. Bạn hãy chấp nhận việc đã xảy ra là việc phải xảy ra. Những bài học bạn đã học là những bài học bạn cần học. Hãy yêu thương, chấp nhận, tha thứ cho chính mình, cho cả những việc không tốt mình đã làm. Cũng đừng quên hối lỗi với người bị bạn can thiệp theo bất kể một cách nào đó.
Tình yêu thương luôn được nói đến rất nhiều. Tình yêu thương của con người thường là tình yêu thương có điều kiện. Chính vì sự lầm tưởng đó, mà con người cứ mãi tới lui trong luân hồi sinh tử. Tình yêu thương đích thực, ban sơ của Thượng đế là tình yêu không có điều kiện, yêu thương vô cùng tận mà không cần bất kể điều gì. Thực hành việc không can thiệp vào nghiệp của người khác chính là thực hành tình yêu thương vô điều kiện. Chính bởi yêu thương vô điều kiện, chúng ta sẽ trở về trạng thái hoàn toàn tự do, hoàn toàn hạnh phúc.
Tôi là Giác Minh. Tôi đến với trái đất để giúp thức tỉnh tâm linh, chữa lành linh hồn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỖ TRỢ DỊCH VỤ

Các câu hỏi về Tư vấn lắp đặt Hệ thống cấp không khí sạch của bạn?

Chúng tôi ở đây để giải đáp mọi thắc mắc của bạn.