02/12/2022

NHỮNG CƠN SÓNG NGHIỆP

NHỮNG CƠN SÓNG NGHIỆP
Bạn đã bao giờ ngắm nhìn sóng biển chưa?
Mặt biển lăn tăn, rì rào những cơn sóng không ngớt. Biển như mơn trớn, mời gọi bạn đến với cõi bình an. Có lúc biển động. Những cơn sóng lớn ở đâu kéo đến ầm ào, sôi động. Biển đang kiềm chế những cơn bộc phát. Trong cơn bão, sóng trở nên hung tàn, cuống phăng và tàn phá tất cả. Không thể nhận ra biển hiền hòa, nhân từ như vẫn thường thế.
Từ sáng đến chiều, sóng biển mỗi lúc một mạnh dần lên. Sóng tưởng như liên tục, không dừng, nhưng nếu kiên nhẫn nán lại cho đến khi màn đêm buông xuống, bạn sẽ thấy những con sóng lặng lẽ rút đi theo thủy triều, để lại đầy rong rêu trên bờ cát trong buổi sớm mai. Rồi hành trình ấy cứ lại tiếp diễn ngày qua ngày.
Hãy quay trở về nhìn vào tâm mình.
Dường như không lúc nào trong tâm bạn không có những cảm xúc nào đó. Cảm giác lâng lâng, dễ chịu vì những niềm vui nho nhỏ, mọi thứ đang thuận lợi. Ngược lại là sự khó chịu nhè nhẹ nào đó trên cơ thể hoặc trong cảm xúc, những lo lắng mơ hồ, những nỗi buồn man mác. Có lúc trong bạn khởi lên những cảm xúc mạnh, không thể không bỏ qua. Đó là sự vui sướng vì vừa hoàn thành được một việc quan trọng, niềm tin mạnh mẽ vào tương lai. Ngược lại là sự bất an, sợ hãi, buồn bã. Trong những khoảnh khắc bước ngoặt của cuộc đời, bạn trải qua những ảnh hưởng cực mạnh, có thể làm thay đổi hoàn toàn con người bạn. Đó là sự sung sướng vỡ òa khi được chữa lành hoàn toàn một căn bệnh nghiêm trọng, là khoảnh khắc hoàn toàn thức tỉnh chân lý của cuộc sống. Ngược lại là những sang chấn nghiêm trọng, đưa bạn vào trạng thái tuyệt vọng, trầm cảm, mất hoàn toàn niềm tin.
Khi bạn tỉnh, không lúc nào tâm không dao động, nhưng khi nằm lên giường, nhắm mắt, bạn có thể bỏ quên hoàn toàn thực tại và chìm vào giấc ngủ say, để khi thức giấc trong buổi bình minh, bạn lại bắt đầu một ngày mới sảng khoái, tinh khôi.
Bạn có thấy tâm mình giống như sóng không?
Tâm chúng ta không thể hoàn toàn tĩnh lặng là do sự vận hành của một loại năng lượng – năng lượng nghiệp. Nghiệp là cơ chế học hỏi của linh hồn, trong đó linh hồn lập kế hoạch để hóa thân của mình – con người vật lý, có một hành động không đúng với quy luật tự nhiên, phải lãnh nhận những hậu quả, rồi phải tự hiểu ra, sửa chữa và hoàn tất bài học. Nếu bài học chưa được hoàn tất trong một kiếp sống, thì sang những kiếp sau, những con người vật lý không hề liên quan đến con người vật lý trước đó, nhưng được dẫn dắt bởi cùng một linh hồn, sẽ quay trở lại vòng lặp mắc lỗi – làm lại cho đến khi kết thúc vòng lặp bằng cách hiểu ra, sửa sai. Năng lượng nghiệp là năng lượng cấu tạo nên năng lượng của con người vật lý. Hay nói cách khác, đã là con người thì chắc chắn phải mang nghiệp. Nghiệp thúc đẩy linh hồn quay trở lại, tái sinh trên trái đất để tiếp tục học hỏi. Cho đến khi linh hồn đã hoàn tất các bài học trên trái đất, thì sẽ không cần quay trở lại trái đất nữa.
Cơ chế nghiệp tác động vào tâm rất giống cơ chế của sóng. Vậy nên tôi gọi những đợt tác động của nghiệp là những cơn sóng nghiệp. Quan sát sóng nghiệp, bạn có thể nhận ra những đặc điểm thú vị của chúng.
Thứ nhất, sóng nghiệp có cường độ mạnh, nhẹ khác nhau. Phần lớn chúng chỉ gây ra tác động nhẹ, nếu bạn không để tâm, thì chúng không thể làm phân tâm bạn. Chúng chỉ giúp bạn luôn ý thức được rằng bạn đang tồn tại ở thế giới vật lý. Đôi lúc sẽ có những con sóng mạnh. Những cơn sóng càng mạnh, thì xác suất xảy ra càng thấp. Sóng nghiệp có thể đưa bạn lên cao với những cảm xúc dễ chịu, sung sướng, mãn nguyện nhưng cũng có thể dìm bạn xuống thấp với khó chịu, đau khổ, trầm luân.
Thứ hai, sóng nghiệp không phụ thuộc vào ý muốn của con người vật lý. Sóng nghiệp được vận hành hoàn toàn khách quan, thoát khỏi sự kiểm soát của con người vật lý. Bạn không thể ra lệnh cho sóng nghiệp dừng lại, tiếp tục, hay tăng cường, giảm bớt. Bạn cũng không thể điều khiển sóng nghiệp tác động vào những việc cụ thể, trong thời điểm cụ thể.
Thứ ba, sóng nghiệp không bao giờ ngưng. Chừng nào bạn còn sống và còn có ý thức, thì bạn còn bị tác động bởi sóng nghiệp. Sóng nghiệp là vô thường. Tất cả những suy nghĩ về mọi chủ đề khác nhau, những cảm xúc ở mọi cung bậc khác nhau, luôn có trong tâm bạn. Phần lớn thời gian bạn sẽ nghiêng về một thái cực tích cực hay tiêu cực, nhưng ngay khi bạn ở vào trạng thái trung dung, cân bằng thì vẫn sẽ có những khoảnh khắc bạn bị kéo lệch về một phía nào đó.
Thứ tư, không thể dự đoán sóng nghiệp. Bạn không thể biết trước sóng nghiệp đến vào lúc nào, xảy ra với việc gì, với cường độ nào. Bạn cũng không thể chắc chắn sóng nghiệp kết thúc nào lúc nào, bằng cách nào. Sóng nghiệp không lặp lại tương tự như những lần xuất hiện trước đó. Đau khổ và hạnh phúc có thể đan xen nhau, không có quy luật.
Thứ năm, không thể truy tìm nguyên nhân của sóng nghiệp. Ở cấp độ con người vật lý, bạn luôn là người “chịu đựng” hay “thụ hưởng” những cơn sóng nghiệp mà không rõ cơ chế vận hành, không biết ai, điều gì, hay nguồn gốc từ đâu tạo ra sóng nghiệp. Ngay cả khi bạn sử dụng thần thông như bói toán, thôi miên hồi quy để đi về tiền kiếp, thì cũng chỉ biết được một phần rất nhỏ của những cơn sóng đã tràn đến.
Bạn cũng như hầu hết mọi người, đều mắc những sai lầm phổ biến, để rồi như những bờ kè xiêu vẹo, loang lổ, sắp đổ sập trước những cơn sóng.
Thứ nhất, bạn luôn khó chịu với những cơn sóng nghiệp. Bạn bực bội, than thân trách phận vì không hiểu sao mình phải chịu những sự tác động này. Bạn thấy không công bằng, không hợp lý. Bạn phủ nhận, chối bỏi sóng nghiệp.
Thứ hai, bạn đương đầu với những cơn sóng nghiệp. Bạn thách thức chúng bằng cách cứ lao theo bất kể những việc bạn cho là đúng. Bạn không tin sóng nghiệp có thể tác động hay quật ngã bạn. Bạn đang húc đầu vào đá.
Thứ ba, bạn trốn chạy khỏi những cơn sóng nghiệp. Khi có sự khó chịu khởi lên, bạn lập tức ngưng việc đang làm, cắt đứt mọi liên lạc, vùi mình vào những nơi trú ẩn của riêng mình. Bạn thà hy sinh mọi niềm vui, mọi sự tiến bộ, chứ không để bị đau khổ, tổn hại thêm nữa.
Tất cả những cách thức đó, không cách nào có thể giúp bạn hóa giải được những tác động của sóng nghiệp. Dường như những nỗi khổ do sóng nghiệp đem đến, lại chồng thêm những nỗi khổ do chính bạn tạo nên. Khổ chồng thêm khổ. Bạn tìm đến bất kể phương cách nào giúp bạn tạm thời thoát khỏi sự tác động của sóng nghiệp, rồi sau đó lại trở nên mỏng manh, dễ bị tổn thương hơn so với trước đó.
Chắc bạn đang sốt ruột, muốn biết giải pháp tôi mang đến là gì đúng không? Đúng, tôi có một giải pháp. Hóa ra giải pháp ấy lại vô cùng đơn giản, đơn giản đến mức tưởng như vô lý, đó là: KHÔNG LÀM GÌ. Không làm gì không có nghĩa là không làm gì, ngưng hết mọi việc, mà ngược lại, bạn đang làm gì, thì cứ tiếp tục việc đó. Đang làm việc thì cứ tiếp tục làm việc, đang chăm sóc gia đình thì cứ tiếp tục chăm sóc gia đình, đang nghỉ ngơi thì cứ tiếp tục nghỉ ngơi. Không làm thêm bất kể việc gì ngoài những việc đó. Hãy tận hưởng những cơn sóng nghiệp. Dù chúng có là một viên kẹo ngọt ngào, hay là một miếng chocolate đắng ngắt, thì bạn vẫn ăn chúng. Hương vị đắng cay ngọt bùi đã tạo nên một bữa ăn nhiều hương vị, đồng thời làm sắc bén hơn vị giác của bạn.
Có những lý do quan trọng để tôi khuyên bạn không làm gì.
Thứ nhất, đặc tính của sóng là luôn lên xuống. Hãy quan sát đồ thì hình sin của một cơn sóng. Từ điểm không, sóng bắt đầu đi lên và chỉ đi lên, đi lên đến đỉnh sóng, sóng bắt đầu đi xuống và chỉ đi xuống cho đến khi đi về điểm không. Như vậy, đã có lên thì chắc chắn có xuống. Đã xuất hiện, thì chắc chắn cũng có lúc tiêu tan. Với những đợt sóng, chúng chỉ xuất hiện vào những thời điểm nhất định, giống như sóng biển xuất hiện cùng với thủy triều. Chắc chắn sẽ có những lúc bạn được nghỉ ngơi khi không còn những cơn sóng nghiệp xô bờ. Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai.
Thứ hai, khi không làm gì, bạn sẽ nhìn ra được bài học ẩn chứa đằng sau và có hành động hợp lý. Ở trạng thái tâm không, bạn sẽ nhìn rõ được chân tướng sự việc. Bạn sẽ để cho trí tuệ, tình yêu thương dẫn lối để có được một hành động đúng đắn nhất sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Bằng cách này bạn sẽ hoàn tất được bài học đang được bày ra.
Thứ ba, khi không làm gì, bạn đã tuân thủ đúng quy luật của nghiệp. Nghiệp được tạo ra là do một hành động sai trong quá khứ, tạo ra một năng lượng được ghi dấu trong linh hồn bạn. Khi bạn không phản ứng với nghiệp, bạn đã không chỉ không tạo thêm năng lượng cho nghiệp, mà đã tạo ra một năng lượng đối trừ, triệt tiêu nghiệp.
Trạng thái không làm gì đúng đắn là trạng thái không lo lắng, không dao động, chứ không phải cố gắng kiềm chế không làm gì nhưng trong lòng vẫn sợ hãi, sân hận, ham muốn. Vậy nên, tôi cũng đồng ý với bạn rằng để đạt đến trạng thái không làm gì thực sự là vô cùng khó. Cần một sự trải nghiệm, chiêm nghiệm rất dài để đạt được trạng thái này.
Dưới đây là những cách thức cụ thể để bạn có thể đối phó hiệu quả với những cơn sóng nghiệp.
Những giải pháp ngắn hạn rất hữu ích ở chỗ ngay tức thời có thể giúp bạn thoát khỏi ảnh hưởng của sóng nghiệp, dù rằng không phải lúc nào cũng có tác dụng và nếu có thì tác dụng không kéo dài.
Thứ nhất, tuyệt đối không được có những hành động bộc phát, tiêu cực ra bên ngoài khi đang bị sóng nghiệp tấn công. Hành động ra bên ngoài có thể là lời nói, hành động với những người khác. Ở trạng thái này chắc chắn bạn không có sự tỉnh táo để có được những hành động đúng đắn. Nếu bị dẫn dắt để có những hành động lúc này, chắc chắn bạn sẽ hối hận, và theo đó, bài học về nghiệp sẽ vẫn còn. Bạn sẽ phải học lại trong tương lai với cấp độ khó hơn.
Thứ hai, hãy tìm đến một người đáng tin cậy. Đó có thể là một vị thầy uy tín, phù hợp với bạn. Bạn có thể có kết nối trực tiếp, hay đọc kinh, sách của thầy. Đó có thể là một người bạn hiểu và sẵn lòng lắng nghe bạn, tốt hơn nữa là người bạn giúp bạn có sự bình tĩnh, tỉnh táo, vị tha. Những vị thầy luôn đem lại cho bạn sự tỉnh ngộ, còn những người bạn luôn cho bạn sự động viên.
Thứ ba, có thể làm bất kể việc gì giúp bạn có thể tạm quên đi. Đó có thể là một việc nằm trong sở thích của bạn, hay là một việc đột nhiên bạn nghĩ tới, được gợi ý. Ví dụ: thể thao, giải trí, thú chơi, … thậm chí mua sắm. Tuy nhiên, không nên phụ thuộc vào những việc này, vì chúng chỉ là những giải pháp tạm thời. Cũng cần phải có điểm dừng bởi nếu bạn quá sa đà, chúng sẽ gây tổn hại đến cả cơ thể, tinh thần và tài chính của bạn. Tệ nạn là những thứ luôn phái tránh nếu bạn không muốn tạo ra nghiệp mới.
Những giải pháp dài hạn là những giải pháp bền vững, giúp bạn có thể hoàn toàn vượt qua những cơn sóng nghiệp, dù rằng bạn cần một sự kiên trì và nỗ lực.
Thứ nhất, bạn cần có sự hiểu biết rằng: sóng nghiệp luôn đến đúng lúc, đúng người, đúng việc, đúng cường độ. Nghiệp là cơ chế được tạo ra bởi Thượng đế, được vận hành bởi linh hồn, là những thực thể siêu việt. Sóng nghiệp không hề vô tình, vô nghĩa, trái lại, luôn đến để dạy cho chúng ta những bài học mà chúng ta thực sự cần học. Vậy nên sóng nghiệp không thể nhầm lẫn.
Thứ hai, bạn hãy luôn tin tưởng mọi thứ đều qua đi. Người Mỹ hay có câu “Everything will be OK” – mọi thứ rồi sẽ ổn. Đó không phải là một câu an ủi suông, một lời nói dối, mà đó thực sự là một điều động viên đúng với quy luật vũ trụ. Mọi việc đều phải chấm dứt, mọi điều tồi tệ rồi sẽ qua đi. Còn nếu chưa qua đi, thì vì chưa đơn giản là chưa đến lúc. Bạn cần làm tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng sự kiên nhẫn của mình với sóng nghiệp, thì dù sóng nghiệp vẫn dồn dập nhưng không thể ảnh hưởng đến bạn nữa.
Thứ ba, bạn phải có một lối sống tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Bắt buộc bạn phải có chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý và lành mạnh. Tất cả những lời khuyên về việc hạn chế chất kích thích, đạm động vật, năng vận động là luôn đúng. Bạn có thể chọn bất kỳ một chế độ hay phương pháp phù hợp nào. Đồng thời bạn cần thường xuyên duy trì một tinh thần tích cực, không có tham lam, sân hận, si mê. Tốt nhất là tu tập theo những vị thầy, pháp môn đáng tin cậy. Lối sống tích cực có thể giúp hóa giải bất kể vấn đề gì, kể cả những vấn đề nghiêm trọng như bùa ngải, vong, một số bệnh nan y.
Thứ tư, hãy thiền hàng ngày. Khi thiền, bạn sẽ để cho tâm trí nghỉ ngơi, thanh lọc được những điều tiêu cực ra khỏi tâm trí, nạp những năng lượng tích cực. Một số phương pháp thiền có thể giúp bạn tách mình ra quan sát, không bị ảnh hưởng hay dẫn dắt bởi sóng nghiệp. Bạn không cần thiền miên mật nhiều tiếng hay bằng những cách thức khắc khổ, mà chỉ cần duy trì thiền hàng ngày với thời lượng phù hợp với bạn.
Không làm gì chính là triết lý vô vi của Lão Tử. Vô vi tức không tạo tác, không làm những việc không cần thiết, không phù hợp. Khi đã vô vi, bạn sẽ chỉ làm những việc cần thiết, phù hợp. Hóa ra không làm gì lại khiến chúng ta có nhiều trải nghiệm giá trị và thành tựu ý nghĩa nhất. Ứng xử với sóng nghiệp chính là cách để chúng ta học bài học yêu thương với chính mình. Chúng ta thực sự là những thực thể hoàn thiện, hiểu biết và chói sáng. Hãy trở về với bản chất nguyên sơ của mình.
Yêu mình, yêu người, vô cùng, vô điều kiện

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỖ TRỢ DỊCH VỤ

Các câu hỏi về Tư vấn lắp đặt Hệ thống cấp không khí sạch của bạn?

Chúng tôi ở đây để giải đáp mọi thắc mắc của bạn.